Trang chủ

Đôi điều về thầy Trần Minh Thái, người khởi đầu và đi đến cùng của lĩnh vực quang châm laser bán dẫn


LỜI NÓI ĐẦU

Nói về thầy Trần Minh Thái, Phòng thí nghiệm Công nghệ Laser trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, chắc không có ai có thể cảm nhận thân thương sâu sắc như những người từng đến với lĩnh vực Quang châm laser bán dẫn công suất thấp từ những thập niên 1990, từng sát cánh với phòng thí nghiệm trong những buổi hội thảo, hội nghị, tập huấn và triển khai thực tế ở các địa phương về một nhà vật lý đậm chất Nam bộ, một người thầy luôn say mê hào hứng với ánh sáng laser và ứng dụng của nó trong y sinh học, với phong cách giản dị trong mọi hành động và thái độ cầu thị gần gũi với mọi đối tượng. Mặc dù đã lớn tuổi, nhưng sự ra đi vừa rồi của thầy thực sự gây sốc – vì ai đó biết thầy vẫn còn đang làm việc với thầy đâu đó như mới hôm qua mà thôi…      

VẮN TẮT VỀ TIỂU SỬ VÀ SỰ NGHIỆP NHÀ GIÁO NHÂN DÂN, PHÓ GIÁO SƯ TIẾN SĨ TRÀN MINH THÁI
 

Thầy Trần Minh Thái sinh năm 1940 tại xã Nhị mỹ, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Thầy đã tham gia hoạt động cách mạng từ thuở niên thiếu cho đến tháng 10/1954, thầy đã được Tỉnh uỷ tỉnh Tiền Giang cử ra Bắc tập kết và học tập ở nhiều trường học sinh miền Nam khác nhau. Năm 1962 thầy được nhà nước cử sang Liên Xô học ngành Vật lý. Năm 1970 thầy lại được cử sang Viện Vật lý mang tên Lebedev thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Thầy đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán – Lý năm 1974 và được ở lại Viện Vật lý Lebedev thực tập sau tiến sĩ. Năm 1979 sau khi về nước, thầy được Bộ Giáo Dục và Đào tạo phân công về Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh công tác.

Với những kiến thức chuyên môn về vật lý laser mà thầy được đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu, thầy Thái đã ôm ấp những giấc mơ to lớn về ứng dụng laser trong thực tiễn như ứng dụng trong quốc phòng, hệ thống cảnh báo an ninh thông minh, ứng dụng trong y sinh học để góp phần xây dựng đất nước sau giải phóng. Với ý tưởng đó thầy đã trình bày với Ban Giám Hiệu trường về việc xây dựng Phòng Thí nghiệm Vật lý laser và bắt đầu cùng với nhiều giảng viên trẻ ở bộ môn Vật lý bắt tay vào công việc.

Ngày 07/11/1979 Phòng thí nghiệm Vật lý laser, sau này đổi tên là Phòng thí nghiệm Công nghệ laser, được khai trương. Chỉ một thời gian ngắn, Phòng đã đạt được một số công trình có ý nghĩa thực tiễn ở Việt Nam như thiết bị tập luyện quân sự bằng laser, hệ quan trắc cảnh báo bằng laser... Năm 1981 thầy lại sang Viện Vật lý Lebedev Liên Xô thực tập.

Những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ 20, trước tình hình phản ứng phụ gay gắt khi sử dụng thuốc tân dược trong điều trị, Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên tiến hành nghiên cứu các phương pháp điều trị không dùng thuốc tân dược. Trước tình hình đó, khoảng năm 1985 thầy đã trình bày với Ban Giám hiệu nhà trường định hướng mới của Phòng thí nghiệm trong nghiên cứu khoa học với tên gọi “Nghiên cứu ứng dụng laser bán dẫn công suất thấp trong y học và sinh học”, trong đó định hướng chủ đạo là ứng dụng trong y học cổ truyền phục hồi chức năng. Định hướng trên được đề xuất dựa vào ý tưởng: Việt nam và nhiều nước trong khu vực Đông Á đã hình thành và phát triển phương pháp châm cứu cổ truyền trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng từ tuyến cơ sở đến cấp huyện và tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ của cộng đồng. Công cụ chính được sử dụng là cây kim sử dụng trong điều trị với nhiều phương thức: hào châm, điện châm, trường châm,… Bên cạnh ưu điểm vượt trội không dùng thuốc, phương pháp châm cứu cổ truyền có nhược điểm khá lớn từ cây kim. Đó là khả năng tạo ra sự lây lan những căn bệnh hiểm nghèo như viêm gan siêu vi B, C và đặc biệt là HIV (hội chứng e sợ bệnh này thập niên 1990 đã làm cho ngành châm cứu cổ truyền trở nên bế tắc) từ bệnh nhân sang người điều trị (khi dùng kim 1 lần) hay từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác (khi dùng kim châm nhiều lần). Ngoài ra kỹ thuật châm kim không đơn giản, không dễ đào tạo lực lượng kế thừa. Chính vì vậy, bước đột phá đầu tiên của định hướng nghiên cứu nêu trên là chương trình “Nghiên cứu ứng dụng laser bán dẫn công suất thấp trong châm cứu cổ truyền Việt Nam” với ý tưởng hiện đại hoá kỹ thuật châm cứu cổ truyền trên nền tảng sử dụng laser bán dẫn công suất thấp, phát triển phương pháp quang châm laser trong thời đại mới.

Cuối năm 1988, hai thiết bị quan trọng được nghiên cứu đó là: Thiết bị quang châm bằng laser bán dẫn công suất thấp loại 5 kênh và thiết bị quang trị liệu bằng laser bán dẫn công suất thấp loại 1 kênh. Tên gọi của 2 thiết bị nêu trên do thầy đặt, nhằm khắc hoạ sự khác biệt thiết bị do Phòng thí nghiệm công nghệ laser nghiên cứu chế tạo được và thiết bị của các tác giả khác. Hai năm nghiên cứu sử dụng hai thiết bị nêu trên trong điều trị lâm sàng đã cho thấy thiết bị có nhiều ưu điểm không những thay thế tạm thời cây kim châm cứu mà còn có thể mở rộng lĩnh vực điều trị ứng dụng theo phương pháp châm cổ truyền Việt Nam. Do vậy, nhiều bệnh viện các tỉnh như Hậu Giang, Cửu Long, Sông Bé, Tiền Giang,… yêu cầu trường Đại học Bách Khoa cung cấp hai loại thiết bị nói trên để thực hiện điều trị cho bệnh nhân. Có thể xem đây là bước ngoặt đột phá, mở ra một trang mới cho hoạt động của Phòng thí nghiệm Công nghệ laser. Từ năm 1991 đến năm 2014, thầy Thái đã chủ trì thực hiện và nghiên cứu 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc triển khai ứng dụng quang châm quang trị liệu laser bán dẫn công suất thấp, nghiệm thu với kết quả đánh giá: xuất sắc 05 đề tài, tốt: 03 đề tài, khá: 02 đề tài.

Hiện nay, Phòng thí nghiệm Công nghệ laser đã nghiên cứu chế tạo thành công 15 loại thiết bị bán dẫn công suất thấp, được 332 cơ sở y tế ở 30 tỉnh và 03 thành phố lớn phía Nam sử dụng điều trị ở cộng đồng. Đặc biệt ở 2 tỉnh Bình Dương và An Giang, mỗi trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia được trang bị 02 loại thiết bị điều trị bằng laser bán dẫn công suất thấp. Để tạo ra mạng lưới sử dụng hiệu quả các dạng thiết bị điều trị bằng laser bán dẫn ở các địa phương, thầy đã chủ trì mở 50 khoá đào tạo cho hơn một ngàn chuyên viên là Bác sĩ, Y sĩ về ứng dụng laser bán dẫn trong điều trị lâm sàng từ năm 1990 đến nay. Thầy chủ trì tổ chức thường xuyên Hội nghị khoa học về “Quang châm bằng laser bán dẫn” và các năm 1998, 1999, 2001, 2003, 2005, 2007, 2009, 2011, 2013, 2015, 2017, và 2019, là diễn đàn không chỉ của các nhà vật lý mà cả những lương y, bác sĩ và các thành viên cộng đồng laser y học từ các miền của đất nước về tham dự. Chương trình và thiết bị quang châm và quang trị liệu laser bán dẫn công suất không chỉ có ý nghĩa áp dụng thành công thành tựu kỹ thuật hiện đại trong việc nâng cao phạm vi ứng dụng của châm cứu cổ truyền mà còn có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Thầy Thái đặc biệt chú ý đến các cơ sở điều trị miễn phí cho bệnh nhân, qua đó thầy đã suy nghĩ và tạo ra thiết bị chuyên điều trị bại não cho trẻ em chào đời, thiết bị điều trị cắt cơn và cai nghiện ma túy, thiết bị hỗ trợ điều trị bệnh phục hồi chức năng vận động sau tai biến mạch máu não… Công việc quên mình của Thầy hòa với các ý tưởng vị tha của các cơ sở từ thiện tôn giáo đã để lại nhiều dấu ấn không thể quên cho nhiều gia đình, nhiều địa phương…  

Từ năm 2014 đến nay, thầy Thái đẩy mạnh chương trình nghiên cứu ứng dụng laser bán dẫn công suất thấp trong phát triển nông nghiệp cao, đặc biệt nghiên cứu và ứng dụng tác động của laser nâng cao chất lượng cây trồng quý hiếm, nâng cao hàm lượng hợp chất quý hiếm trong các dược liệu tự nhiên. Bước đầu đã thu được một số kết quả quan trọng.

Trong đào tạo và quản lý, thầy Thái là trưởng khoa đầu tiên của khoa Khoa học Ứng dụng được thành lập nhằm triển khai xây dựng và quản lý các ngành đào tạo mang tính liên ngành. Là một trong những người chủ chốt thành lập ngành đào tạo Vật lý Kỹ thuật, thầy Thái luôn quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực vật lý ứng dụng, từ chương trình đào tạo thạc sĩ Kỹ thuật Laser năm 1991, chương trình đào tạo Tiến sĩ Kỹ thuật Laser 1998, chương trình đào tạo đại học Vật lý kỹ thuật năm 2002 với tầm nhìn khác biệt khi định hướng Vật lý kỹ thuật chuyên sâu Kỹ thuật y sinh nhằm cung cấp đội ngũ kỹ sư phục vụ nhu cầu công nghệ cao trong ngành y tế, làm chủ các trang thiết bị y tế hiện đại đang trở thành then chốt trong điều kiện hiện nay. Thầy đã và đang hướng dẫn 05 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ,  hướng dẫn thành công 68 luận văn thạc sĩ, rất nhiều luận văn đại học theo định hướng “ Nghiên cứu ứng dụng laser bán dẫn công suất thấp trong Y học và Sinh học”.

Thầy Thái còn là một bí thư chi bộ mẫu mực của Khoa Khoa học Ứng dụng từ ngày thành lập đến năm 2018, là thành viên sáng lập Hội Laser y học Bình dương và luôn là thành viên cố vấn tận tụy theo sát mọi hoạt động của Hội, là thành viên Ban chấp hành nhiều năm của Hội Vật lý Việt nam, Hội Vật lý TP. Hồ Chí Minh, Hội Vật lý Quang phổ, Hội Vật lý ứng dụng và kỹ thuật.  
 
Thầy Thái là mẫu người say mê khoa học, vượt qua mọi trở ngại và bằng mọi cách hoàn thành mục tiêu đặt ra một cách bền bỉ. Từ khi vào làm việc tại trường cho đến những ngày cuối đời ở tuổi 80, thầy vẫn luôn đến trường hàng ngày từ sáng đến chiều, tự viết bằng tay không biết bao nhiêu trang giấy những ý tưởng nối tiếp như vô tận; thầy vẫn hoàn thành công việc lên lớp, hướng dẫn sinh viên làm đồ án luận văn, phân công một cách minh bạch rõ ràng mọi công việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ của Phòng thí nghiệm; thậm chí, trong vài tuần cuối khi sức khỏe của thầy không còn cơ hội để hồi phục sau biến chứng do Covid gây nên, thầy vẫn tiếp tục trao đổi với anh em những dự định mà thầy nghĩ sẽ tiếp tục sau khi khỏe lại, những ý tưởng minh triết và sâu sắc về định hướng phát triển của Phòng thí nghiệm. Thầy đã ra đi ngày 08/6/2022 trong những ngày thành phố hồi phục trở lại sau hơn hai năm Covid kéo dài, để lại hụt hẫng cho bao người quen biết. 

Với những thành tích phấn đấu suốt đời đến tận giây phút cuối cùng, thầy đã được các cấp lãnh đạo đánh giá cao và ghi nhận qua danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Huân chương lao động hạng 2, Huân chương lao động hạng 3, 02 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 03 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, 03 Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu khen thưởng khác.

MỘT VÀI GIAI THOẠI…

Thầy chưa bao giờ tự đi xe máy…

Thầy Thái về TP. Hồ Chí Minh từ năm 1978 và bắt đầu làm việc ở trường Đại học Bách khoa. Trong suốt thời gian từ đó, thầy chỉ đi đến trường bằng xe đạp, mặc dù xung quanh mọi người ai ai cũng đi xe máy. Ban đầu thầy dùng chiếc xe đạp cuộc mang về từ Liên xô, chiếc xe bị đánh cắp… nhưng thầy lại sắm chiếc xe mới và tiếp tục đạp, cũng có sự cố, cũng có qua quẹt, nhưng có lẽ qua những vòng đạp chậm rãi, những quan sát sâu sắc những diễn biến đời thường của cuộc sống hàng ngày mà ý tưởng khoa học được hình thành, không bị những sự vụ bon chen vội vã chi phối. Chỉ đến những năm của tuổi 80, thầy mới chuyển sang đi xe ôm, và cũng vậy mọi người trong trường dần quen thuộc với hình ảnh bác xe ôm đón đưa mỗi buổi sáng chiều và hình ảnh thầy Thái đi bộ vào và ra giữa cổng trường và nhà B4. Hình ảnh cuối cùng của lứa thầy cô ở tuổi đặt nền móng tạo nên trường Đại học Bách khoa từ sau giải phóng… 

Thầy chưa bao giờ làm việc với máy tính…

Ấn tượng đầu tiên khi đến phòng làm việc của thầy là số lượng lớn tài liệu giấy và sổ sách. Thầy có thói quen viết ra và lưu lại tất cả bằng giấy. Đặc biệt, phòng làm việc của thầy không có máy tính. Đây là lí do thầy có trí nhớ rất tốt và trình bày lưu loát khi giảng dạy cũng như phỏng vấn. Thầy cho hay đó là do thầy học cách làm việc của những người thầy hướng dẫn khoa học khi du học ở Nga. “Tôi giữ tất cả ở trong đầu. Tôi muốn bộ não hoạt động liên tục để gìn giữ và phát triển bộ não. Còn máy tính, tôi chỉ dùng ở nhà để tìm hiểu thông tin và nhận, gửi tài liệu các nơi thôi” – thầy nói (trích bài viết “Cha đẻ của thiết bị laser bán dẫn công suất thấp” – Gia Nghi – OISP HCMUT).  
 

Thầy sống giản dị…

Những ai từng sống chung với thầy ắt sẽ học được sự giản đơn trong cuộc sống cũng như trong suy nghĩ. Ngoại trừ “tham vọng” lớn nhất cuối đời là nghiên cứu về các đông dược có khả năng kết hợp với laser để điều trị ung thư hoặc những ước mơ về thành tựu khoa học trước đó, thầy không có ham muốn vật chất gì khác đáng kể. Dù đã ở lứa tuổi “thất thập cổ lai hy”, thầy vẫn ăn trưa bằng “cơm hàng cháo chợ”. Thầy gìn giữ sức khỏe bằng cách riêng của mình và sử dụng laser nội tĩnh mạch để chiếu cơ thể mỗi ngày. Thầy có không hiếm những cơ hội để trở thành đại gia, để có cuộc sống giàu sang vượt bậc nhưng thầy vẫn chọn cuộc sống ngày hai bữa với Phòng thí nghiệm, với những bận rộn sự vụ ở trường Đại học Bách khoa và xem đó là ý nghĩa trường tồn của cuộc đời…

Thầy ra đi như một chuyến đi dài, không dặn dò, không di chúc như thể thầy sẽ trở lại. Các thành viên, học trò của Thầy trong Phòng thí nghiệm mỗi ngày vẫn nhìn thấy bức ảnh của Thầy nghiêm nghị như nhắn nhủ, làm gì thì làm nhưng hãy cố gắng giữ gìn và phát triển mãi mãi như hình ảnh Thầy trong lòng mọi người.
 
Nhóm tác giả:
Huỳnh Quang Linh, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Đình Quang, Trần Trung Nghĩa, Trần Anh Tú,
Trần Thiên Hậu, Trịnh Trần Hồng Duyên, Mai Hữu Xuân

Phòng thí nghiệm Công nghệ Laser – Khoa Khoa học Ứng dụng
Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

các bài viết liên quan


địa bàn triển khai ứng dụng laser quang châm

Tổng lượt truy cập: 1.362.436

Đang online: 65