Theo y học hiện đại, đau lưng được chia làm 2 thể:
1. Đau lưng cấp tính: Thường do bị lạnh gây co cứng các cơ ở sống lưng, dây chằng cột sống bị viêm, bị phù nề chèn ép vào thần kinh khi vác nặng, sai tư thế, sang chấn vùng sống lưng.
2. Đau lưng mạn tính: Thường do viêm xương cột sống, thoái hóa cột sống, lao, ung thư, đau các nội tạng ở ngực, bụng lan tỏa ra sau lưng. Đau lưng cơ năng do đau bụng kinh, suy nhược thần kinh.
Muốn điều trị hiệu quả tốt cần chẩn đoán nguyên nhân gây ra chứng đau lưng, kết hợp với chữa chứng đau lưng tại chỗ bằng thuốc, châm cứu, xoa bóp.
Theo Đông y, đau lưng có các thể như sau:
I. ĐAU LƯNG CẤP DO CỨNG CÁC CƠ
1. Nguyên nhân: Do hàn thấp gây ra.
2. Triệu chứng: Đau lưng xảy ra đột ngột, sau khi bị lạnh, mưa, ẩm thấp, đau nhiều không cúi xuống được, ho và trở mình cũng đau, thường đau một bên, ấn các cơ sống lưng bên đau co cứng. Mạch trầm huyền.
3. Pháp trị: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, hành khí hoạt huyết.
4. Bài thuốc:
Bài 1: Bài phong thấp của GS. Bùi Chí Hiếu
Lá lốt 20g, Mắc cỡ 20g: Khu phong, Quế chi 20g, Thiên niên kiện 20g: Tán hàn, Cỏ xước 20g, Thổ phục linh 20g: Trừ thấp, sài đất 10g: Thanh nhiệt, Hà thủ ô 20g: Bổ huyết, Sinh địa 10g: Lương huyết.
Sắc với 800ml nước, còn lại 300ml thuốc, chia uống 3 lần trong ngày khi thuốc còn ấm.
Bài 2: Can khương thương truật thang gia giảm
Can khương 8g, Quế chi 8g, Thương truật 12g, Ý dĩ 20g, Cam thảo 8g, Xuyên khung 20g, Bạch linh 20g.
Sắc uống, ngày một thang.
* Nếu đau nhiều gia thêm Phụ tử chế 8g, Tế tân 8g.
Châm cứu: Châm tả tại vùng đau. Nếu đau từ thắt lưng (D12) trở lên cột sống cổ thì châm thêm 2 huyệt Kiên tỉnh, nếu đau từ thắt lưng trở xuống thì châm thêm huyệt Ủy trung, Dương lăng tuyền bên đau.
Xoa bóp: Dùng các thủ thuật ấn, day, lăn trên vùng cơ bị co cứng. Nếu đau từ thắt lưng trở xuống thì ấn day huyệt Côn lôn cùng bên.
Châm loa tai: Vùng lưng hay thắt lưng tùy nơi đau.
Sau khi châm, xoa bóp, châm loa tai nên bảo bệnh nhân vận động ngay vì chắc chắn đau đã giảm.
II. ĐAU LƯNG CẤP KHI THAY ĐỔI TƯ THẾ ĐỘT NGỘT HAY VÁC NẶNG
1. Nguyên nhân: Do khí trệ, huyết ứ.
2. Triệu chứng: Sau khi vác nặng lệch người hoặc thay đổi tư thế đột nhiên bị đau một bên sống lưng, đau một chỗ dữ dội, khó vận động, cúi xuống đau, không đi lại được, cơ co cứng.
3. Pháp trị: Hành khí hoạt huyết, thư cân hoạt lạc.
4. Bài thuốc:
Bài 1: Dùng muối hột rang nóng vừa phải chườm tại chỗ.
Bài 2: Lá Ngải cứu tươi, lá Ngũ trảo tươi giã nát, lượng đủ dùng xào nóng với dấm. Đắp ấm tại chỗ.
Bài 3: Gừng tươi thái nhỏ, giã nát với đường cát đắp tại chỗ.
* Châm cứu, xoa bóp nơi đau giống như đau lưng cấp tính do lạnh.
III. ĐAU LƯNG DO VIÊM CỘT SỐNG
1. Nguyên nhân: Đông y cho là do thấp nhiệt, phong thấp nhiệt tý (biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau vùng cột sống lưng).
2. Triệu chứng: Đau hai bên thắt lưng, sờ vào đau, ngày nhẹ đêm nặng, cử động, đi lại khó khăn, sốt ra mồ hôi, sợ gió, rêu lưỡi vàng mỏng, chất lưỡi đỏ, nước tiểu vàng, mạch hoạt sác.
3. Pháp trị: Khu phong, Thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết trừ thấp.
4. Bài thuốc:
4.1 Quế chi thược dược tri mẫu thang gia vị:
Quế chi 8g, Ma hoàng 8g, Bạch thược 12g, Liên kiều 12g, Cam thảo 6g, Kim ngân hoa 16g, Tri mẫu 12g, Sinh địa 20g, Bạch truật 12g, Sa sâm 20g, Phòng phong 12g, Thạch hộc 20g.
Châm cứu: Châm các huyệt tại các khớp đau và vùng lân cận. Toàn thân châm huyệt Hợp cốc, Phong môn, Túc tam lý, Huyết hải, Đại chùy…
Không nên vận động mạnh như trường hợp đau lưng do lạnh. Nên vận động nhẹ nhàng, từ từ theo sự tiến triển điều trị.
4.2 Bài thuốc Nam kinh nghiệm:
Lá lốt 20g, Hy thiêm thảo 30g, Mắc cỡ 20g, Mía dò (Cát lồi) 40g.
Sắc uống, ngày một thang.
Hoặc bài: Bạch truật (sao cám): 20g, Hy thiêm thảo 20g, Ý dĩ (sao cám) 40g, Tỳ giải 20g.
Sắc uống, ngày một thang.
LÁ LỚP |
MẮC CỠ |
HY THIÊM |
MÍA DÒ |
IV. ĐAU LƯNG MẠN TÍNH DO BỊ SUY NHƯỢC THẦN KINH
Nguyên nhân: Do thận hư.
IV.1 Thận âm hư:
1. Triệu chứng: Đau lưng, ù tai, di tinh, nhức đầu, mạch tế không nhanh, hồi hộp, ngủ ít.
2. Pháp trị: Bổ can thận âm.
3. Bài thuốc:
3.1 Lục vị quy thược:
Thục địa 32g, Trạch tả 12g, Hoài sơn 16g, Bạch linh 12g, Sơn thù 16g, Đương quy 20g, Đơn bì 12g, Bạch thược 20g.
Sắc uống, ngày một thang hoặc làm hoàn cứng, hoàn mềm.
3.2 Tả quy hoàn
Thục địa 32g, Quy bản giao 16g, Hoài sơn 16g, Lộc giác giao 16g, Sơn thù 16g, Thỏ ty tử 16g, Kỷ tử 16g, Ngưu tất 12g.
Sắc uống, ngày một thang hoặc tán bột trộn mật làm hoàn.
IV.2 Thận âm, thận dương hư:
1. Triệu chứng: Đau lưng, mỏi gối, lưng lạnh, tay chân lạnh, di tinh, liệt dương, ù tai, nước tiểu trong, tiểu đêm, tiểu nhiều lần. Mạch trầm nhược.
2. Pháp trị: Ôn bổ thận dương, bổ thận âm.
3. Bài thuốc:
3.1 Kim quỹ thận khí hoàn:
Thục địa 32g, Bạch linh 12g, Hoài sơn 16g Quế nhục 6g, Sơn thù 16g, Phụ tử chế 6g, Đơn bì 12g, Xa tiền tử 12g, Trạch tả 12g, Ngưu tất 16g.
Sắc uống, ngày một thang hoặc làm hoàn cứng, hoàn mềm.
3.2 Hữu quy hoàn:
Thục địa 24g, Kỷ tử 12g, Thỏ ty tử 12g, Đương quy 16g, Hoài sơn 12g, Lộc giác giao 12g, Sơn thù 10g, Phụ tử chế 6g, Đỗ trọng 12g, Nhục quế 6g.
Sắc uống, ngày một thang hoặc làm hoàn cứng, hoàn mềm.
V. ĐAU LƯNG Ở NGƯỜI GIÀ DO CỘT SỐNG BỊ THOÁI HÓA
1. Nguyên nhân: Do can thận hư kết hợp với phong hàn thấp gây ra.
2. Triệu chứng: Đau giống kiểu phong hàn thấp tý thiên về hàn tý kèm thêm triệu chứng về can thận hư như đau lưng, ù tai, ít ngủ, nước tiểu trong, lưng đau, mỏi gối, tiểu nhiều lần, mạch trầm tế.
3. Pháp trị: Bổ can thận, khu phong, trừ thấp.
4. Bài thuốc: Độc hoạt ký sinh thang
Đảng sâm 16g, Tang ký sinh 16g, Bạch linh 12g, Tần giao 12g, Chích thảo 6g, Quế tâm 4g, Xuyên khung 12g, Phòng phong 12g, Đương quy 12g, Đỗ trọng 16g, Thục địa 20g, Bạch thược 12g, Độc hoạt 12g, Ngưu tất 16g, Tế tân 8g.
Sắc uống, ngày một thang.
Châm cứu: Chủ yếu là cứu các huyệt bổ thận: Quan nguyên, Khí hải, Thận du, Tam âm giao…
Châm bổ tại chỗ.
Ôn châm các huyệt tại khớp đau và các vùng lân cận.
Xoa bóp: Vùng thắt lưng.
Vận động nhẹ nhàng, thường xuyên để hồi phục dần các khớp cột sống, tránh xơ hóa dính khớp thêm nữa.
Lương y Nguyễn Công Đức
(Nguyên Giảng viên Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh