Người thầy thuốc phải giỏi tay nghề, biết thu thập đúc kết kinh nghiệm và quan trọng nhất là phải có tâm hồn lớn. Đó là cảm tưởng của tôi sau khi đọc nhiều lượt quyển Thượng kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Yêu thích thiên nhiên, sống gắn bó với môi trường là lý tưởng mà người Á Đông thời xưa đã xem trộng. Ngày nay ở thành thị, Nhà nước chú trọng đến mạng cây xanh và công viên, thời xưa ở mỗi làng đều xây dựng, “ Danh lam thắng cảnh” Đình chùa chọn nơi gần đồi, suối, với cây cổ thụ, đặc biệt là thêm một ao sen. Cụ Lê Hữu Trác ca ngợi “ Ở trước sân nhà U Trai của tôi cây cỏ nở hoa, kết quả, tuyết rũ hương bay… Trong cái ao ở mé Tây vườn, đàn cá tung tăng ra đớp những vành trăng nhấp nhô trên sóng. Chim oanh qua lại, vun vút như thoi đưa, bay vào lùm cây mát rượi” Bỗng dung, được gọi về Kinh ( Hà Nội) để trị bịnh cho chúa Trịnh, nếu là kẻ bình thường, ắt cụ vui mừng vì thời xưa ( và có lẽ thời nay) đó là vinh dự lớn. Làng xóm, quận huyện sẽ đồn đãi khen ngợi, người lương y trở thành kẻ lừng danh, đúng là “ Quảng cáo thương mãi giới thiệu sản phẩm” mà không tốn một quan, chi phí di chuyển hoàn toàn bao cấp ! Đi xa, để nói huyên thuyện khi trở về, như con rồng kể chuyện trên mây! Ấy thế mà cụ không hài lòng, tuy rằng bấy lâu ao ước lên Kinh kỳ một chuyển để mở rộng tầm nhìn. Cụ bùi ngùi trả lời với bạn bè.
“Cây kia có hoa nên bị người ta hái, người ta có cái hư danh nên phải lụy về chữ danh. Ví bằng trốn cái danh đi có thú hơn không?” Lên đến Kinh tuy gặp bao nhiêu bạn bè, khách quí nhưng tâm hồn cụ vẫn thanh thản, nghĩ đến thiên nhiên, nhớ vầng trăng sáng nơi quê nhà. Bấy giờ các quan lớn ở Kinh luôn luôn ở nhà cao cửa rộng, quanh nhà vẫn giữ môi trường thiên nhiên. Cụ sung sướng thả hồn vào cảnh vật, không chút ganh tị, thiên nhiên tuy bị dồn ép làm của riêng, nhưng vẫn là của chung, huống gì ngội nhà thủy tạ của vị quan nọ lại bám vào bờ hồ (có lẽ hồ Tây).
“Trông ra, hồ rộng ước nghìn mẫu. Những con chim đang nô giỡn trên nước. Cá đang tung tăng đớp những lá rụng dưới nước. Lòng hồ sóng gió, rau tần nổi… Trước sân nhà thủy tạ, mấy cây mai già nghiên mình trên ghế đá. Ngoài cửa sổ, mấy hàng trúc xanh, bóng rơp cả vào án sách, con dã hạt đứng một mình”.
Khi trao đổi với vài danh y, cụ ghi lại.
“Ngày xưa có nói: những người làm thuốc trong nước ta mà không tinh thông là vì hai cái bệnh. Một là bọn nho học, ra làm thuốc, cầm quyển sách thuốc xem qua, từ đầu đến cuối không có chỗ nào mắc míu, tưởng đâu rằng không có gì là khói cả. Một bọn chữ nghĩa nhấp nhem, có học thuốc cũng không khỏi mơ hồ. Chẳng khác gì giương không nổi cung thì cho cung quá cứng!”
Mang bệnh, uống thuốc là điều tất yếu. Nhưng bệnh nhân là kẻ sa đọa, chẳng biết kiêng cử, chẳng theo phép dưỡng sinh thì thuốc thánh thuốc tiên cũng chẳng chữa trị nổi. Cụ lớn nọ còn sống, mà thoi thóp, ăn uống không được hơi thở yếu ớt, rất dễ chữa trị nhưng quá khó vì “ Cụ lớn đã nhiều tuổi mà cô hầu thì nhan nhản.Người già thì cái chân ân đã hao tổn rồi. Lại thêm bệnh hiếu sắc nữa, tinh khí mất đi thì âm phải kiệt”.
Cụ chẩn mạch, điều trị cho các quan to. Phần lớn các quan này đều cậy vào nhiều danh y khác từ trước, nhưng không xong. Chẳng qua là các danh y kia mắc bệnh giáo điều, không linh động. Tận dụng lúc nhàn rỗi, cũ Lê Hữu Trác tranh thủ về cổ quán xa xưa để thử tìm một cô gái, trước đã đính hôn với ông, nhưng vì hoàn cảnh không ăn ở với nhau được. Cụ an ủi không xong, sau đó, cũ giải quyết bằng cách mời cô về gần nhà, để cô tiếp tục việc tu hành trong cái am nhỏ.
Toàn bộ tác phẩm: ”Thượng Kinh Ký Sự” toát lên một đạo lý, nay vẫn còn cần thiết: Đừng vướng vào vòng quan lại ( thời phong kiến) “ Vướng vào thì danh lợi chưa ắt thành, mà cái than lại bị nhục, hối thì đã muộn” Thành công lớn của chuyến đi Kinh Kỳ không phải là trị bệnh có kết quả cho chúa, cho quan to, quan bé hoặc gặt hái được uy tín, nhưng chính là “ mình không đến nỗi bị thiên hạ chê cười, chỉ nhờ mình không tham đó thôi”.
Thời buổi ngày nay có khác. Phố phường chật hẹp ở đô thị, thậm chí vùng ngoại ô, khó tìm được khu vườn, với cây trúc, ao sen, khoa học kỹ thuật tiến bộ nhảy vọt, con người bận rộn phải mua sắm nhiều mặt hàng tiêu dùng xem ra là xa xỉ phẩm, nhưng rất cần thiết ! Phải đối phó với cuộc sống, lắm khi thiếu thời gian để trao đổi chuyên môn. Đọc quyển sách của tổ sư Lê Hữu Trác ( bán dịch Phan Võ, Nhà xuất bản thông tin ) ta nhớ vài điều cơ bản, giúp ta tiến bộ trong nghề chẳng riêng gì cho nghề thuốc. Đó là “ không tham lam” thành thật với lương tâm mình.
NHÀ VĂN SƠN NAM (Tp. Hồ Chí Minh)