Trang chủ

Hoạt động châm cứu - Laser châm tại Bình Dương


Tỉnh Bình Dương từ ngày chính thức là đơn vị hành chính đầu tiên năm 1689 đến nay (năm 2018) trải qua 320 năm. Cùng với hoàn cảnh chung của đất nước trong giai đoạn lịch sử khốc liệt của những cuộc nội chiến giữa các triều đình phong kiến, đặc biệt là cuộc kháng chiến dành độc lập của dân tộc. Nền Đông y nói chung và châm cứu nói riêng chịu sự tác động của lịch sử dân tộc nên chậm phát triển, nhưng vẫn mang một sắc thái riêng có những dấu ấn đáng kể.

Cư dân địa phương lúc đầu chủ yếu là người Stieng, Khmer với kinh nghiệm sử dụng các loại cây rừng làm thuốc như vỏ cây Bồ Nâu để ăn với trầu cau, nấu nước nhuộm sợi dệt vải; dùng dây Vàng đắng, Thường sơn để trị sốt rét; lá và trái Bứa nấu nước ngậm trị xỉ tẩu mã... còn dùng phương pháp đốt để trị bệnh. Các thầy thuốc Khmer, Stieng dùng nhang đốt cháy một số điểm trên vùng lưng, bụng, tay, chân của người bệnh để trị các chứng đau bụng, đau lưng. Thường để lại sẹo do bị phỏng ở các vị trí đốt.

Giai đoạn người Hoa, người Kinh đến lập nghiệp xuất hiện một số thầy thuốc Bắc, thuốc Nam cùng đến sinh sống và trị bệnh. Chủ yếu giai đoạn hoạt động hình thức tiệm thuốc Bắc, các thầy lang vườn hoạt động từ thiện. Đến nay khu vực Tân Phước Khánh (ông Mai Văn Mường), Lái Thiêu, An Thạnh (ông La Tắc Bình), Bình Nhâm, Tương Bình Hiệp (ông Nguyễn Văn Kỉnh) vẫn còn những giòng họ hoạt động Đông y đến thế hệ thứ 3, có giòng họ đến thế hệ thứ 6 (La Nam Sơn).

Năm 1951 Tịnh Độ Cư Sỹ Phật hội Việt Nam cử một Sư nữ pháp danh là Chơn Định-Hồng Hạnh, tên thật Huỳnh Hoa Hảo (mọi người thường gọi là Cô Tư), đến Thủ Dầu Một hốt thuốc nam trị bệnh từ thiện. Năm 1953 khởi công xây dựng chùa Hưng Đức Tự, sau một năm hoàn thành. Chùa Hưng Đức Tự hoạt động khám bệnh cấp thuốc nam, điều trị bệnh về mắt và châm cứu hoàn toàn miễn phí. Đến nay hoạt động này tồn tại và phát triển được 64 năm.

Cũng trong thập niên 50 (TK XX) thầy châm cứu Nguyễn Văn Sắng (tự Thanh Liêm, người quê ở Bình Chuẩn thuộc huyện Thuận An) hoạt động cách mạng, bị bắt giam ở nhà tù Phú Lợi. Ông dùng châm cứu để trị bệnh cho bạn tù và viết quyển “Tôi học khoa châm cứu”. Năm 1959 quyển sách hoàn thành khi ông đang ở nhà tù Côn ĐảoTác phẩm này đã được Nhà xuất bản Tổng hợp Sông Bé ấn hành năm 1988.

Trước năm 1975 học viện Trung y hiện đại Hương Cảng tổ chức chương trình học hàm thụ, tại Bình Dương có ông Vương Sanh, Trương Kiện Dư, Lâm Thắng Niên, tại Bình Long có ông Lê Văn Tịnh theo học và hành nghề châm cứu. Trong đó đặc biệt là sử dụng phương pháp châm cấy chỉ tự tiêu catgut (còn gọi là cấy nhau mèo, mai tuyến pháp, cấy chỉ tự tiêu).

Năm 1976 Bình Dương (Sông Bé) thành lập Phòng chẩn trị đông y - châm cứu tại chùa Thuận Thiên (còn gọi chùa Bà Chúa). Tại đây có các lương y Vương Sanh, Ong Văn Cường, Nguyễn Văn Thành, Lê Hưng, thực hiện nhu châm (tức mai tuyến pháp).
 

LY Lê Hưng Phó chủ nhiệm CLB Khoa học Châm Cứu Sông Bé

Năm 1984 tỉnh Sông Bé thành lập Câu lạc bộ khoa học châm cứu Sông Bé được bố trí một phòng nhỏ thuộc Sở Giáo dục, ngay cạnh nhà thờ Phú Cường (góc đường Phạm Ngũ Lão- Yersin). Thời gian này trường Trung học y tế Sông Bé mở lớp kỹ thuật viên châm cứu,thời gian đào tạo 6 tháng do các lương y Vương Sanh, Huỳnh Văn Tâm, Lê Hưng, Nguyễn Văn Thi của câu lạc bộ giảng dạy lớp có trên 50 học viên.

Năm 1985 tác phẩm Nhu châm do Câu lạc bộ khoa học Châm cứu Sông Bé phát hành, in tại NXB Tổng hợp Sông Bé; chủ biên Vương Sanh, biên tập Vương Sanh, Lê Hưng, Nguyễn Văn Thành. Sách gồm 112 trang chia làm 9 chương. Sách in 10.150 quyển, phát hành tháng 12/1985. Đây là quyển sách đầu tiên về Nhu châm tại Việt Nam. Trong tác phẩm, Nhu châm (acupuncture tendre) được xác định là hình thái châm cứu sáng  tạo và mang tính chất thời đại, đồng thời nói lên tính chất “thừa kế có phát huy nền y học cổ truyền”.  Trong mười năm (1975-1985), y thuật nhu châm đã tỏ ra có nhiều nét độc đáo trong việc khắc phục một số bệnh chứng nan y và mãn tính ở Sông Bé. Xuất xứ từ 1972 tại Thủ Dầu Một Nhu châm đã phát triển về hệ lý luận lẫn thực tiễn lâm sàng tốt đẹp.
 
                                       

Logo CLB Khoa học Châm cứu tỉnh Sông Bé
                                       

Cố Bác sỹ Hồ Phương Phó giám đốc Sở Y tế Sông Bé lúc bấy giờ (tháng 8-1985) đã nhận xét: “ Tập tài liệu “Nhu châm” được giới thiệu là công trình tập thể của Lương y Vương Sanh và các cộng tác viên ở Câu lạc bộ khoa học châm cứu Sông Bé. Khác với phương pháp của Trung Quốc dùng kim móc chỉ catgut chôn dưới da ở huyệt (chôn chỉ tự tiêu nông) và phương pháp của Nhật chôn lưu kim bằng vàng hoặc bạc ở huyệt vị. – Phương pháp nhu châm ở đây là phương pháp chôn sâu chỉ tự tiêu ở đúng vị trí huyệt nhằm đạt 2 yêu cầu cơ bản là tạo cường độ kích thích cần thiết, với thời gian tương đối dài (5 đến 7 ngày), động viên cơ thể tạo kháng thể đủ sức chống lại có hiệu quả với bệnh tật.”
 

Chi hội Châm cứu Laser Thủ Dầu Một - Chánh Mỹ 1996

Cố Phó tiến sỹ Nguyễn Văn Cẩn thuộc Ủy ban khoa học và kỹ thuật tỉnh Sông Bé (tháng 9-1985) đã viết: “Về phương diện chuyên môn y học, nhu châm vẫn dựa vào hệ thuyết đông y cổ truyền là âm dương học, tạng tượng học, kinh mạch học như nghệ thuật châm cứu ở các địa phương khác. Nhưng cái mới nổi bật, có sáng tạo ở đây là các thầy thuốc Sông Bé trong vận dụng phương pháp nhu châm, đã tận dụng các y cụ đơn giản của y học mới để thực hiện việc đưa “cây kim mềm Collagene” vào nằm đúng huyệt châm mà không gây cảm giác đau cho người bệnh.”

Quý 1 năm 1987 Chi hội Châm cứu tỉnh Sông Bé (tiền thân của Hội Châm cứu Bình Dương) được thành lập. Chính thức có tập san hằng quý phát hành toàn quốc. Nhà văn Sơn Nam (nhà Nam bộ học) lúc đó đã viết: “Tập san của Hội Châm cứu tỉnh Sông Bé quả là sự đóng góp tích cực cho ngành nghề, ví như hạt nhân khiêm tốn, có thể dùng làm tư liệu trao đổi kinh nghiệm cho giới châm cứu trong cả nước. Thiện chí của những người sáng lập, thêm đóng góp tích cực của các bạn Vương Sanh, Lê Hưng quả là đáng khích lệ. Châm cứu sẽ giúp cụ thể cho bịnh nhân, trong nhiều trường hợp, ít tốn tiền, không mất sức khỏe, yên tâm vì thuận với qui luật về sinh lý của con người. Tôi tin rằng sự đóng góp trong hiện tại và trong tương lai của ngành châm cứu tỉnh Sông Bé, sẽ được nâng lên về chất lượng. Công việc khiêm tốn, âm thầm, nhưng “ Lành đồn xa, dữ đồn xa” vậy…

Năm 1990 thành lập Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Sông Bé, trong đó có Trung tâm Châm cứu do các lương y của hội Châm cứu đảm nhiệm.

Năm 1992 Bệnh viện Y học cổ truyền cùng Hội Châm cứu tiếp cận phương pháp Laser châm của Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh. Tại bệnh viện thành lập Khoa Quang châm Laser dùng cả hai phương pháp Laser quang châm và Laser mai hoa châm (tương tác chùm tia Laser- 2 bước sóng khác nhau).

Năm 1993 Chi hội Laser châm thị xã Thủ Dầu Một được thành lập. Thời gian này có hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh được thực hiện do Lương y Lê Hưng và Lương y Vương sanh làm chủ nhiệm.

Năm 1999 phong trào Laser châm phát triển mạnh mẽ nên tỉnh cho phép thành lập Câu lạc bộ Laser y học Bình Dương. Tập hợp các thầy thuốc ứng dụng Laser trong y học cùng hoạt động. Bản tin Laser quang châm ra mắt đều đặn mỗi quý một kỳ.

Năm 2002 Câu lạc bộ Laser y học được phép nâng thành Hội Laser y học Bình Dương. Trong 8 năm (2002- 2010) tỉnh Bình Dương có 4 dự án ứng dụng thiết bị Laser bán dẫn công suất thấp (quang châm và quang trị liệu) cho y tế tuyến huyện, thị xã và các trạm y tế xã, phường; 2 đề tài nghiên cứu tại tỉnh Bình Phước.
 

Thiết bị Laser BDCST trang bị các trạm y tế xã, phường

Từ sau năm 1976, trong điều kiện khó khăn về y tế thời bao cấp, các thầy châm cứu Bình Dương (Sông Bé) đã tích cực hoạt động, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân. Bên cạnh đó với thế hệ thầy thuốc có chuyên môn giỏi, trình độ cao cộng với nhiệt tình cống hiến xã hội đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ. Châm cứu Bình Dương đã phát triển về kỹ thuật lẫn học thuật. Từ đó hình thành và phát triển môn Nhu châm Bình Dương mang nét độc đáo riêng. Nhu châm chính là vốn quý của Bình Dương về châm cứu mà ngày nay vẫn mang những giá trị đích thực trong điều trị trên lâm sàng.

Với bề dày thực tiễn trên 45 năm ứng dụng phương pháp Nhu châm Bình Dương. Các thế hệ thầy Nhu châm Bình Dương đã tích lũy kinh nghiệm lâm sàng, cải tiến thao tác kỹ thuật châm, cộng với sự tiếp cận tiến bộ của các thiết bị y tế ngày nay đã góp phần nâng cao hiệu quả Nhu châm Bình Dương.
 
(Trích trong tác phẩm Nhu châm Sông Bé - phát hành tháng 7/2018-Giấy phép số 89/GPXB-STTTT do Sở Thông tin truyền thông cấp ngày 27/7/2018)

Trần Đình Hợp

các bài viết liên quan


địa bàn triển khai ứng dụng laser quang châm

Tổng lượt truy cập: 1.356.927

Đang online: 26