I. Thiết bị quang châm bằng Laser bán dẫn công suất thấp loại 12 kênh
1. Sự ra đời của thiết bị quang châm bằng Laser bán dẫn công suất thấp
Thiết bị quang châm bằng Laser bán dẫn đầu tiên do phòng thí nghiệm công nghệ Laser trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh chế tạo thành công vào năm 1988. Đó là thiết bị quang châm bằng Laser bán dẫn loại 5 đầu châm. Những nghiên cứu cơ bản phục vụ cho việc chế tạo thiết bị quang châm bằng Laser bán dẫn công suất thấp được tiến hành từ năm 1985.
Thiết bị này có nhiều điểm khác biệt với thiết bị châm cứu bằng Laser khí và Laser bán dẫn do các tác giả khác chế tạo. Chính vì vậy, chúng có tên gọi riêng là: “Thiết bị quang châm bằng Laser bán dẫn công suất thấp”, nhằm khắc họa sự khác biệt giữa thiết bị do Việt Nam chế tạo với thiết bị do các nước khác nghiên cứu chế tạo.
Từ năm 1988 đến nay, thiết bị này không ngừng được cải tiến mà còn chế tạo thêm nhiều loại thiết bị quang châm bằng Laser bán dẫn. Mặt khác, cơ sở lý luận của phương pháp điều trị ngày càng hoàn chỉnh hơn, từ đó dần dần hình thành phương pháp điều trị bằng quang châm Laser bán dẫn độc đáo của Việt Nam.
Thiết bị quang châm Laser bán dẫn công suất thấp loại 10 đầu châm với ký hiệu 0A-10-001 là một trong ba sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ với mã số B96.20.37TĐ và được nghiệm thu vào ngày 08/05/1998, Hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc. Thiết bị này được hoàn thiện về quy trình công nghệ chế tạo bằng Dự án sản xuất thử - thử nghiệm cấp Bộ. Dự án này được nghiệm thu ngày 29/01/1999. Hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc.
2. Đặc điểm riêng của thiết bị quang châm bằng Laser bán dẫn công suất thấp
Thiết bị quang châm bằng Laser bán dẫn công suất thấp do do phòng thí nghiệm công nghệ Laser trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh chế tạo, có những điểm đặc trưng riêng của mình. Điều này được thể hiện qua các điểm chính sau đây.
2.1 Nguyên tắc làm việc của thiết bị quang châm bằng Laser bán dẫn công suất thấp dựa trên các nguyên lý cơ bản của châm cứu cổ truyền phương Đông
Điều này được thể hiện qua:
a. Quang châm bằng Laser bán dẫn được thực hiện trên cơ sở lý thuyết
Kinh – Lạc – Huyệt.
Điều trị theo phương pháp quang châm bằng Laser bán dẫn công suất thấp giống với phương pháp châm cổ truyền phương Đông ở chổ lấy huyệt vị làm vị trí cơ bản để tác động lên cơ thể, đông thời vận dụng triệt để những quy luật của châm cứu trong việc chọn huyệt và phối hợp huyệt để điều trị.
Trong quang châm bằng Laser bán dẫn công suất thấp, cùng một lúc tác động đồng thời lên 10 huyệt khác nhau để thực hiện điều trị.
b. Phối hợp huyệt trong điều trị:
Phương pháp quang châm bằng Laser bán dẫn tận dụng triệt để và hoàn hảo quy luật chọn huyệt và phối hợp huyệt trong châm cứu cổ truyền trên hai mặt:
- Không gian: Tác động cùng một lúc nhiều huyệt ở các vị trí khác nhau trên cơ thể người để cùng làm một nhiệm vụ là điều trị cho một chứng hay một bệnh cụ thể nào đó.
- Thời gian: Sự tác động nêu trên được tiến hành cùng một lúc hoặc theo một thời hiệu thích hợp cho mỗi huyệt vị nào đó, để tạo ra sự cộng hưởng tối ưu trong điều trị.
Để thấy rõ hai điều vừa nêu trên ví dụ sau đây để minh họa:
Trong điều trị phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân di chứng sau tai biến mạch máu não, chúng tôi sử dụng thiết bị quang châm – quang trị liệu bằng Laser bán dẫn loại 12 kênh. Phần điều trị của thiết bị này gồm:
- 02 kênh quang trị liệu bằng Laser bán dẫn, công cụ điều trị bằng hiệu ứng hai bước sóng đồng thời.
- 10 kênh quang châm bằng Laser bán dẫn, 10 kênh này hoàn toàn giống nhau, nhưng độc lập với nhau về điều tiết tần số F và công suất L.
Khi thực hiện điều trị được tiến hành như sau:
Sử dụng hai kênh quang trị liệu tác động trực tiếp lên vùng vận động theo phương thức đầu châm của châm cứu cổ truyền phương Đông. Đồng thời sử dụng 10 kênh quang châm bằng Laser bán dẫn kích thích các huyệt kinh điển trong châm cứu cổ truyền ở tay và chân phía bị liệt. Hai quá trình trên được tiến hành cùng một lúc.
Rõ ràng không có phương thức châm cứu nào đạt được sự phối hợp hoàn hảo như quang châm bằng Laser bán dẫn công suất thấp vừa nêu trên. Đây là một đặc điểm hết sức quan trọng của quang châm bằng Laser bán dẫn. Điều này không thể hiện được trong châm cứu bằng thiết bị Laser khác.
c. Phối hợp các thủ pháp châm:
Phương pháp châm bằng Laser bán dẫn thực hiện các phép châm như: bổ, tả, bình bổ, bình tả …một cách hoàn hảo nhất thông qua các thông số:
- Tần số điều biến chùm tia.
- Công suất phát xạ chùm tia.
- Thời gian điều trị của từng kênh điều trị, các kênh điều trị hoàn toàn giống nhau, nhưng độc lập với nhau.
Sự thay đổi các thông số nêu trên được tiến hành theo hai phương thức:
- Điều khiển bằng tay: Hiện nay phương thức điều khiển này là phổ biến, song sự điều khiển rất đơn giản chỉ cần thay đổi tần số điều biến và công suất phát xạ bằng cách điều chỉnh hai núm trên mặt máy cho mỗi kênh.
- Điều khiển bằng phần mềm với sự trợ giúp của máy vi tính. Phương thức điều khiển này vô cùng linh hoạt. Nó hoàn toàn chống lại sự trơ của cơ thể để chống lại sự kích thích từ bên ngoài.
Từ những điều trình bày trên đây cho thấy, việc thực hiện các thủ pháp châm trong quang châm bằng Laser bán dẫn đạt ở trình độ cao, mà các phương pháp châm khác không thể nào đạt được.
d. Khái niệm về đắc khí trong quang châm bằng Laser bán dẫn:
Trong quang châm bằng Laser bán dẫn khái niệm về đắc khí được hiểu với hai nội dung chính dưới đây:
- Nội dung thứ nhất: Khi thực hiện điều trị bằng quang châm Laser bán dẫn, chùm tia laser bán dẫn hoàn toàn bao trùm lên huyệt cần châm. Điều này dễ nhận thấy, khi chúng ta xem hình chỉ dẫn đường đi của chùm tia Laser bán dẫn tác động lên huyệt. (hình 1)
Từ hình 1, chúng ta có thể chọn được góc phát xạ của Laser bán dẫn, để chùm tia của nó bao trùm hoàn toàn huyệt cần châm.
- Nội dung thứ hai: Về mặt sinh lý, tất cả các tế bào đều thực hiện hoạt động tổng hợp phân tử, vận chuyển tích cực vật chất qua màng tế bào, chuyển động vật lý do sự co cơ của tế bào, hay hoạt động điện hóa và để thực hiện tất cả các công việc trên, tế bào cần được cung cấp năng lượng thông qua ATP (Andenosine Triphosphate) là phân tử cung cấp năng lượng cho hầu như mọi phản ứng sinh hóa trong tế bào. Do đó, nếu tính toán được hàm lượng phân tử ATP tổng hợp được khi chiếu tia Laser lên mô mà tại đó có huyệt cần châm, có thể lý giải được tính “đắc khí” trong quang châm bằng Laser bán dẫn. Mặt khác kết quả tính toán cho thấy: hàm lượng phân tử ATP do bước sóng 940 nm tổng hợp lớn hơn nhiều lần so với bước sóng 630 nm. Điều này là cơ sở cho sự khác biệt quan trọng về “đắc khí” giữa quang châm bằng Laser bán dẫn làm việc ở bước sóng 940 nm với thiết bị Laser khác và hoàn hảo hơn cách châm cứu cổ truyền phương Đông.
Những điểm trình bày ở các phần a, b, c và d chính là những điểm tương đồng giữa những phương pháp quang châm bằng Laser bán dẫn với phương pháp châm cứu cổ truyền phương Đông. Đồng thời cũng là sự khác biệt cơ bản giữa quang châm bằng Laser bán dẫn phòng thí nghiệm “công nghệ Laser” đề xướng, so với phương pháp châm cứu bằng Laser của các tác giả khác.
2.2. Quang châm bằng Laser bán dẫn đồng thời dựa trên hiệu ứng kích thích sinh học:
Hiệu ứng kích thích sinh học xảy ra khi chùm tia Laser có công suất thấp tác động lên huyệt với mật độ công suất trong khoảng (10-4- 100)W/cm2 với thời gian chiếu từ 10 giây đến hàng chục phút. Hiệu ứng kích thích sinh học này thông qua hàng loạt phản ứng quang hóa và quang sinh. Từ đấy mang lại hàng loạt đáp ứng mà y học thế giới đã khẳng định. Đây chính là ưu việt cơ bản của châm cứu bằng Laser nói chung và của quang châm bằng Laser bán dẫn nói riêng so với châm cứu cổ truyền phương Đông. Ở đây xin nhấn mạnh khi thực hiện bằng Laser bán dẫn, hai quá trình:
- Tác dụng điều trị của huyệt.
- Hiệu ứng kích thích sinh học.
Xảy ra đồng thời. Đây cũng chính là ưu thế của quang châm bằng Laser bán dẫn.
2.3. Kim quang học trong quang châm bằng Laser bán dẫn công suất
Để chọn bước sóng của Laser bán dẫn sử dụng như kim quang học để hiện quang châm, phòng thí nghiệm công nghệ Laser đã dày công nghiên cứu.
Việc nghiên cứu được tiến hành như sau: Tiến hành mô phỏng sự lan truyền chùm tia Laser làm việc ở các bước sóng khác nhau với công suất thấp bằng phương pháp Monte-Carlo đối với da và một số loại mô. Trên cơ sở kết quả mô phỏng, chọn bước sóng thích hợp làm kim quang học để thực hiện quang châm bằng Laser bán dẫn.
Trên cơ sở ấy, tiến hành khảo sát bằng thực nghiệm.
Từ những kết quả nghiên cứu trên đây, phòng thí nghiệm công nghệ Laser đã chọn Laser bán dẫn từ GaAs làm việc ở bước sóng hồng ngoại 940 nm làm kim quang học để thực hiện quang châm.
Bước sóng 940 nm không những có độ xuyên sâu vào cơ thể tốt nhất, mà còn phụ thuộc không đáng kể vào sắc tố da. Do đó khi sử dụng bước sóng 940 nm làm kim quang học, để thực hiện tốt các vấn đề chính sau đây:
- Đáp ứng các độ nông sâu khác nhau của huyệt trên thân người.
- Thực hiện điều trị có kết quả tốt đối với bệnh nhân có sắc tố da khác nhau. Có khả năng điều biến trong, nên việc thực hiện châm bổ, châm tả, … dễ dàng. Mặt khác làm cho thiết bị gọn và nhẹ.
Cấu trúc Laser bán dẫn loại phun thích hợp cho việc chế tạo thiết bị có nhiều đầu quang châm.
II. Thiết bị quang trị liệu
1. Sự ra đời của thiết bị quang trị liệu bằng Laser bán dẫn công suất thấp
Trong châm cứu truyền thống, khi điều trị các chứng đau nhức, người ta thường sử dụng huyệt phát sinh tại vị trí bị tổn thương, còn gọi là A thị huyệt. Điều trị theo phương thức này, tuy đơn giản nhưng trong nhiều trường hợp mang lại hiệu quả rất cao. Theo mô tả Đông y, A thị huyệt là vùng da thường có kích thích lớn hơn các huyệt cơ bản khác. Do đó, để điều trị theo kích thích nói trên bằng Laser bán dẫn cần phải có thiết bị với đầu châm được thiết kế đặc biệt với cấu tạo của A thị huyệt.
Ngoài ra, có một số bệnh đặc trưng như: viêm xoang, viêm họng hạt, một số dạng thoái hóa khớp … thường gây nhiều khó khăn dai dẳng trong điều trị bằng Tây y, Laser công suất thấp khi tác dụng lên mô sống, tạo ra hiệu ứng kích thích sinh học. Chính hiệu ứng này là công cụ độc đáo trong chữa trị cho các bệnh kể trên.
Cũng chính vì những lý do nêu trên, phòng thí nghiệm nghiên cứu chế tạo một loại thiết bị được gọi là: thiết bị quang trị liệu bằng Laser bán dẫn.
Thiết bị quang trị liệu bằng Laser bán dẫn đầu tiên do phòng thí nghiệm “Công nghệ Laser” trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh chế tạo thành công vào năm 1988.
Từ đấy đến nay, loại thiết bị này không ngừng được cải tiến, đồng thời cơ sở lý luận của phương pháp điều trị này ngày càng hoàn chỉnh hơn. Kết quả điều trị lâm sàng của thiết bị rất phong phú và với hiệu quả cao.
Cũng chính vì vậy, tự nó đã hình thành phương pháp điều trị bằng quang trị liệu Laser bán dẫn, một phương pháp độc đáo của Việt Nam.
Thiết bị quang trị liệu bằng Laser bán dẫn công suất thấp loại hai kênh với ký hiệu 0T-001 là sản phẩm của:
- Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ với mã số B91C.02.05 và được nghiệm thu vào ngày 25/09/1993, Hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc.
- Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ với mã số B96.20.37TĐ và được nghiệm thu vào ngày 05/05/1998, Hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc.
Thiết bị này được hoàn thiện về quy trình công nghệ chế tạo bằng dự án sản xuất thử - thử nghiệm cấp Bộ. Dự án này được nghiệm thu ngày 29/01/1999. Hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc.
2. Đặc điểm riêng của thiết bị quang trị liệu bằng Laser bán dẫn
Thiết bị quang trị liệu bằng Laser bán dẫn đầu tiên do phòng thí nghiệm “Công nghệ Laser” trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh chế tạo có những đặc tính riêng của mình. Điều này được thực hiện qua các điểm chính sau đây:
2.1. Sử dụng hiệu ứng hai bước sóng đồng thời tác động trực tiếp lên vùng tổn thương
Sử dụng hiệu ứng hai bước sóng đồng thời do:
- Laser bán dẫn làm việc ở bước sóng 940 nm.
- Laser bán dẫn làm việc ở bước sóng 780 nm.
Tạo nên chiếu trực tiếp lên vùng tổn thương nhờ hệ thống quang học làm cho hai chùm tia Laser bán dẫn trộn lẫn vào nhau, tác động đồng thời lên từng điểm của vùng tổn thương, làm cho các đáp ứng sinh học, do hiệu ứng kích thích sinh học mang lại, xảy ra nhanh hơn và mạnh hơn.
2.2. Hai bước sóng 940 nm và 780 nm
Có khả năng xuyên sâu vào cơ thể, nên thiết bị quang trị liệu bằng Laser bán dẫn, không những điều trị được những tổn thương ở bề mặt da mà còn điều trị được các tổn thương ở những độ nông, sâu khác nhau dưới da.
Chính đặc điểm này, mở ra các khả năng thuận lợi cho việc điều trị theo phương pháp quang trị liệu bằng Laser bán dẫn. Đó là khi điều trị những tổn thương ở sâu bên trong cơ thể theo phương pháp quang trị liệu bằng Laser bán dẫn, chỉ cần chiếu trực tiếp lên bề mặt da ở vị trí gần nơi tổn thương nhất. Điều này làm cho kỹ thuật điều trị càng đơn giản hơn và phạm vi điều trị của thiết bị quang trị liệu bằng laser bán dẫn mở rộng đáng kể.
2.3. Với hiệu ứng hai bước sóng đồng thời
Với hiệu ứng hai bước sóng đồng thời, thiết bị quang châm bằng Laser bán dẫn tạo ra khả năng điều trị cho những tổn thương rộng dưới 100 mm2 liền sẹo chắc chắn. Điều này đã được phòng thí nghiệm công nghệ Laser khảo sát thực nghiệm trên hai dạng bệnh:
- Vết thương lâu lành.
- Viêm xoang.
Ở nước ngoài Kriuk A.S đã nghiên cứu khá kỷ về lành vết thương khi điều trị bằng hiệu ứng hai bước sóng.
2.4. Khi tác động hiệu ứng hai bước sóng lên vùng tổn thương sẽ làm gia tăng vi tuần hoàn
Điều này đã được Kriuk A.S khảo sát khá kỷ.
3. Hình thức sử dụng thiết bị quang trị liệu bằng Laser bán dẫn công suất thấp trong điều trị:
Có hai hình thức sử dụng thiết bị quang trị liệu bằng Laser bán dẫn công suất thấp trong điều trị lâm sàng.
Theo Đông y: điều trị trực tiếp lên A thị huyệt hoặc huyệt kinh điển theo châm cứu cổ truyền. Trong trường hợp này, các phép châm bổ, tả, bình bổ, bình tả … được thực hiện bằng cách thay đổi:
- Tần số điều biến.
- Công suất phát xạ của chùm tia hai bước sóng Laser.
- Thời gian điều trị.
Theo Tây y: điều trị trực tiếp các tổn thương theo các vị trí của cơ thể học. thiết bị có thể điều trị các tổn thương ở các độ nông sâu khác nhau so với bề mặt da bằng cách điều chỉnh:
- Công suất phát xạ của chùm tia hai loại Laser.
- Tần số điều biến.
III. Thiết bị Laser Nội tĩnh mạch
Laser nội tĩnh mạch ra đời trong định hướng điều trị một số bệnh về tim mạch. Laser nội tĩnh mạch phát triển sau khi chế tạo thành công sợi quang học mềm.
Hệ Laser bán dẫn nội tĩnh mạch của Phòng Thí nghiệm Công nghệ Laser thuộc trường Đại học Bách khoa TP.HCM ra đời trong bối cảnh đó và trong tương lai nó sẽ phát triển mạnh bởi vì Laser bán dẫn công suất thấp có nhiều ưu điểm là:
- Công suất phát xạ thay đổi từ giá trị nhỏ nhất đến giá trị lớn nhất mà nó đạt được. Điều này cho phép người điều trị chọn được công suất thích hợp cho việc điều trị từng bệnh nhân.
- Có thể thực hiện điều biến tần số chùm tia. Điều này cho phép chọn được tần số thích hợp từng loại bệnh.
- Kích thước của chiếc Laser bán dẫn nhỏ nhất trong hệ thiết bị Laser nội tĩnh mạch.
- Nguồn nuôi cho Laser bán dẫn là điện thế một chiều thấp.
1. Cơ chế điều trị của Laser nội tĩnh mạch
Gồm các hiệu ứng trực tiếp lên các thành phần tuần hoàn, bao gồm: tim, mạch máu, máu.
Sử dụng Laser nội tĩnh mạch đã điều trị có kết quả tốt với nhiều dạng bệnh về tim như: nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim; nhịp nhanh kịch phát trên thất; rối loạn chức năng thất trái trong cơn đau ngực tiến triển; viêm nội tâm mạc; viêm cơ tim cấp; cơn đau thắt ngực; …
Đối với mạch máu: Mạch máu sẽ thông hơn vì:
- Đường kính lòng mạch sẽ giãn ra.
- Độ xơ vữa động mạch giảm đi đáng kể.
Đối với chất lượng dòng máu:
- Giảm kết dính tiểu cầu.
- Hoạt hóa hệ tiêu sợi huyết.
- Tối ưu hóa phổ lipid máu.
Khi tuần hoàn máu được cải thiện dẫn đến hàng loạt hiệu ứng toàn thân như:
- Điều chỉnh hệ miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu.
- Điều hòa hệ thống nội tiết thần kinh.
- Tăng cường hoạt tính kháng oxy hóa.
- Tăng khả năng kết hợp oxy với hồng cầu, tăng khả năng vận chuyển oxy trong máu.
- Giảm kết dính tiểu cầu, hoạt hóa tiêu sợi huyết.
- Chống rung, chống loạn nhịp, điều chỉnh huyết áp.
2. Thiết bị Laser bán dẫn nội tĩnh mạch
2.1. Đặc tính kỹ thuật
- Laser bán dẫn làm việc ở bước sóng đỏ 670 nm.
- Công suất phát xạ thay đổi từ 0 đến 5 mW.
- Tần số điều biến chùm tia thay đổi từ 5 đến 100 Hz. Ở đây tần số điều biến 50 Hz được chọn làm tần số chuẩn để điều trị.
- Bộ phận định thời phục vụ điều trị gồm 2 phần: Phần cài đặt thời gian điều trị gồm: 5,10,15,20,25,30,35 và 40 phút và phần đếm thời gian điều trị.
- Nguồn điện thế cung cấp cho thiết bị là DC 12V từ Adaptor.
2.2. Cấu trúc bộ phận nối Laser bán dẫn nội tĩnh mạch
Bộ phận đưa chùm tia Laser bán dẫn vào nội mạch có cấu trúc đặc biệt nhằm:
- Đưa toàn bộ chùm Laser bán dẫn vào kim luồn nội mạch.
- Đầu Laser bán dẫn không tiếp xúc trực tiếp với máu từ tĩnh mạch của bệnh nhân.
Nhờ những điều kiện trên đây nên tránh được sự lây lan những căn bệnh hiểm nghèo qua đường máu.
2.3. Chống chỉ định: bệnh ưa chảy máu
2.4. Nhược điểm: Khả năng nhiễm trùng nếu quy trình kỹ thuật không được tuân thủ nghiêm ngặt.
IV Thiết bị Laser quang châm, quang trị liệu 12 kênh
Trong những năm gần đây ở Việt Nam, Tai biến mạch máu não đang có chiều hướng gia tăng. Tai biến mạch máu não có thể gây chết người nhanh chóng, nhưng nhiều khi để lại di chứng nặng nề, gây thiệt hại to lớn cho xã hội và gia đình. Nhiều công trình nghiên cứu cho biết: Di chứng vận động là chủ yếu, có ở 92,6% bệnh nhân và 94% người sau tai biến mạch máu não sống trong cộng đồng có nhu cầu điều trị phục hồi chức năng vận động.
Chính vì vậy, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân sau tai biến mạch máu não như: hào châm, điện châm, trường châm, nhu châm… Các phương pháp điều trị nêu trên đóng vai trò chính trong điều trị phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân sau tai biến mạch máu não. Song chúng có chung nhược điểm mà không thể nào tự chúng khắc phục được. Đó là: kích thích các huyệt trên các chi bị liệt là phản hồi dẫn truyền hướng tâm các xung động để tác động vùng định khu chức năng vận động ở não bộ, nhằm giúp cho định khu được phục hồi dần.
Điều này rất khó khăn trong thực tế lâm sàng. Đây là các phương pháp chữa gốc bệnh khởi đầu từ ngọn ngược về. Chính điều này dẫn đến hiệu quả chưa cao. Mặt khác, khi điều trị bằng các phương pháp nêu trên, tuy chức năng vận động của bệnh nhân được cải thiện, song các nguyên nhân gây ra tai biến mạch máu não như vữa xơ động mạch não, huyết áp cao vẫn còn nguyên đấy.
Trong bối cảnh ấy, Phòng Thí nghiệm công nghệ Laser thuộc trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh đề xuất và thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo với tên gọi “Nghiên cứu ứng dụng laser bán dẫn trong điều trị di chứng liệt nửa người do tai biến mạch máu não” với mã số B96-20-TĐ-06 do PGS. TS. Trần Minh Thái chủ trì và Phòng Thí nghiệm Công nghệ Laser là đơn vị thực hiện.
Trong đề tài nghiên cứu này, đề xuất ba phương pháp sử dụng Laser bán dẫn công suất thấp trong điều trị di chứng liệt nửa người do tai biến mạch máu não gây nên.
Nội dung của phương pháp thứ nhất: “Điều trị trực tiếp vùng tổn thương ở não do tai biến mạch máu não bằng hiệu ứng hai bước sóng đồng thời do hai loại laser bán dẫn làm việc ở hai bước sóng khác nhau tạo nên. Đồng thời kích thích các huyệt ở tay và chân phía bị liệt bằng quang châm laser bán dẫn.” Để thực hiện phương pháp điều trị này, Phòng Thí nghiệm công nghệ Laser thuộc trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh đã chế tạo thành công thiết bị quang châm - quang trị liệu bằng Laser bán dẫn công suất thấp loại 12 kênh với mã hiệu OAT.12.001.
1. Tính năng
Điều trị di chứng liệt nửa người do Tai biến mạch máu não, đặc biệt ở những dạng có biến chứng khác như huyết áp cao, liệt rũ... Ngoài ra có thể sử dụng để điều trị:
Đau cột sống bao gồm:
- Đau vùng thắt lưng.
- Đau vùng sống cổ.
- Đau thần kinh tọa.
- Viêm khớp – đau khớp.
- Liệt dây thần kinh số VII trung ương….
2. Chỉ tiêu kỹ thuật
02 kênh quang trị liệu hoàn toàn giống nhau, nhưng làm việc độc lập với nhau. Mỗi kênh quang trị liệu có một đầu quang trị liệu – nơi tạo ra hiệu ứng hai bước sóng đồng thời (do hai loại laser bán dẫn làm việc ở bước sóng 780nm và laser bán dẫn làm việc ở bước sóng 940nm) tạo nên, với các thông số chính như sau:
- Công suất thay đổi từ (0 – 20) mW;
- Tần số điều biến thay đổi từ (5 – 100)Hz.
10 kênh quang châm hoàn toàn giống nhau, nhưng làm việc độc lập với nhau. Mỗi kênh có một đầu quang châm – là Laser bán dẫn làm việc ở bước sóng 940nm, với các thông số chính như sau: công suất thay đổi tờ (0 – 12) mW.
- Tần số điều biến thay đổi từ (5 – 100)Hz.
3. Điện thế cung cấp cho thiết bị: AC: 220V; DC: 12V – Acquy
Hộp điều khiển |
Đầu phát tia |
Bộ kim luồn nội mạch |
Thiết bị Laser nội tĩnh mạch - thiết bị Laser BDCST loại 12 kênh |