Trang chủ

Thực trạng tuân thủ điều trị của bệnh nhân đái tháo đường type2 và một số yếu tố ảnh hưởng


Việt Nam có tỷ lệ gia tăng bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) nhanh nhất thế giới (8-20%/năm). Theo kết quả điều tra 2008, tỷ lệ trong cả nước là 5,7%, riêng tại các thành phố lớn và khu công nghiệp có tỷ lệ từ 7,0% đến 10%. Năm 2015 khoảng 3,5 triệu chiếm tỷ lệ 5,6%, dự đoán năm 2040 tăng lên 6,1 triệu, đứng trong top 5 nước mắc đái tháo đường cao nhất trong khu vực.

Theo kết quả điều tra 2015 Bộ Y tế, 68,9%  tăng đường huyết chưa được phát hiện. 28,9% người bệnh ĐTĐ được quản lý tại cơ sở y tế. Đây thực sự là khoảng trống lớn về sự chênh lệch giữa nhu cầu và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Tại Bình Dương bệnh đái tháo đường phát hiện bệnh chủ yếu bệnh viện, nơi điều trị nội trú và điều trị ngoại trú tại các phòng khám đa khoa. Bệnh nhân có nhiều hình thức điều trị, dự phòng thông qua việc thông tuyến thẻ Bảo hiểm y tế. Phòng khám đa khoa Nhân Nghĩa huyện Bến Cát nơi tiếp nhận, quản lý bệnh nhân đái tháo đường type II tới khám và điều trị ngoại trú, việc tuân thủ điều trị bệnh nhân ĐTĐ thông qua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khiến bác sỹ gặp rất nhiều khó khăn vì người bệnh thường không tuân thủ điều trị. Do vậy, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu với mục tiêu:

1. Mô tả thực trạng tuân thủ điều trị của bệnh nhân Đái tháo đường type II tại Phòng khám đa khoa Nhân Nghĩa, Bến Cát, Bình Dương năm 2020.

2. Phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị ở bệnh nhân đái tháo đường type II tại Phòng khám đa khoa Nhân Nghĩa, Bến Cát, Bình Dương năm 2020.

I. Khái niệm tuân thủ điều trị

Theo WHO “Tuân thủ điều trị của người bệnh ĐTĐ là sự kết hợp của 4 biện pháp: chế độ dinh dưỡng, chế độ hoạt động thể lực, chế độ dùng thuốc, chế độ kiểm soát đường huyết và khám sức khỏe định kỳ”.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế (2011) để đạt được mục tiêu cần tuân thủ các chế độ điều trị: chế độ ăn uống, thay đổi thói quen sống, chế độ sử dụng thuốc, kiểm soát đường huyết và khám sức khỏe định kỳ.

1.1. Tuân thủ chế độ ăn là đảm bảo đầy đủ thành phần dinh dưỡng theo khuyến cáo của các chuyên gia.

1.2. Tuân thủ điều trị: thay đổi thói quen sống là thường xuyên tập thể dục, thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày (tối thiểu 150 phút/tuần), không hút thuốc lá, giảm uống rượu/bia với lượng Nam ≤ 2 đơn vị/ngày, Nữ ≤ 1 đơn vị/ngày (1 đơn vị tiêu chuẩn tương đương 330 ml bia, hoặc 120 ml rượu vang, hoặc 30 ml rượu nặng).

1.3. Tuân thủ dùng thuốc: dùng thường xuyên tất cả các loại thuốc được kê đơn theo đúng chỉ dẫn của cán bộ y tế.

1.4. Tuân thủ thử đường huyết tại nhà và tái khám đúng hẹn của bác sĩ.

Đối với người bệnh ĐTĐ, tuân thủ phác đồ điều trị là chìa khóa vàng để khỏi bệnh hoặc kiểm soát chặt chẽ tình trạng sống chung với bệnh. Trong điều trị đái tháo đường lâu dài phụ thuộc rất lớn vào ý thức hợp tác của người bệnh.

Người bệnh đái tháo đường có cuộc sống khỏe mạnh nếu duy trì được lối sống khoa học, uống thuốc điều đặn, đặc biệt là biết lắng nghe cơ thể mình một cách cẩn trọng. Ngược lại, sẽ có nguy cơ mắc các biến chứng sớm, nguy hiểm đến tính mạng.

II. Hậu quả của việc không tuân thủ điều trị

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế cũng như từ kết quả các nghiên cứu cho thấy, việc người bệnh không tuân thủ điều trị có thể gây ra một số hậu quả sau:

2.1. Không kiểm soát đường huyết.

2.2. Không ngăn ngừa các biến chứng cấp tính như: hạ đường huyết; nhiễm toan ceton và hôn mê nhiễm toan ceton do đái tháo đường; hôn mê tăng đường máu không nhiễm toan ceton; hôn mê nhiễm toan lactic; các bệnh nhiễm trùng cấp tính.

2.3. Không ngăn ngừa được các biến chứng mạn tính như: biến chứng tim mạch. Biến chứng mắt. Biến chứng tại thận. Biến chứng bàn chân (biến chứng mạch máu nhỏ). Biến chứng thần kinh. Rối loạn chức năng cương dương nam; suy giảm chức năng sinh dục nữ.

III. Giới thiệu sơ lược về địa điểm nghiên cứu

Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được tái lập tỉnh từ năm 07/1997. Thị xã Bến Cát được tách ra từ huyện Bến Cát từ ngày 28/04/2014 với 05 phường (Mỹ Phước, Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa, Tân Định và Thới Hòa) và 03 xã (An Tây, An Điền và Phú An) và nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Dương. Dân số khi mới tách là khoảng 200.000 người. Tính đến tháng 04/2019, dân số thị xã hơn 300.000 người. Quanh đây có nhiều khu công nghiệp với tập trung dân cư đông. Tại thị xã Bến Cát có 02 bệnh viện, 03 phòng khám đa khoa và 08 trạm y tế.

Phòng khám Đa khoa Nhân Nghĩa với địa chỉ số 99 Đại lộ Bình Dương, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Phòng khám với các chuyên khoa như: Nội tổng hợp, Ngoại Tổng hợp, Sản, Nhi, Mắt, Tai mũi họng, Da liễu, Răng hàm mặt, Nhà hộ sinh, Chẩn đoán hình ảnh, siêu âm, xét nghiệm…. Tổng nhân viên là 120 người. Tổng số bệnh nhân đến khám ĐTĐ type 2 năm 2019 là 4.899 lượt. Trong đó có 3.923 bệnh nhân có sử dụng bảo hiểm y tế.

IV. KẾT QUẢ

4.1. Thực trạng tuân thủ điều trị bệnh nhân đái tháo đường type 2.

Nghiên cứu được tiến hành trên 245 người bệnh, nữ giới chiếm phần lớn với 63,7%, chủ yếu ở độ tuổi từ 50 tuổi trở lên (64,1%), trong đó đối tượng có trình độ học vấn là THCS và THPT chiếm đa số (62,1%). Về nghề nghiệp, chủ yếu là công nhân (43,3%), nông dân (15,5%) và lao động tự do (15,1%). Tình trạng hôn nhân có 90,2% đã kết hôn.

Người bệnh trong nghiên cứu đa số phát hiện bệnh ĐTĐ type 2 khi có biểu hiện bệnh (83,3%), có bệnh mạn tính kèm theo với tỉ lệ 68,1%. Thời gian phát hiện bệnh và điều trị bệnh từ 5 năm trở lên chiếm lần lượt là 53,5% và 40,4%.

Kết quả cho thấy có 100% người bệnh tham gia BHYT. Nơi đăng kí khám chữa bệnh ban đầu đa số tại bệnh viện huyện (48,6%), và đây cũng là nơi thường đến khám nhiều nhất (44,5%). Phần lớn người bệnh khám bệnh hàng tháng (86,6%). Người bệnh nhân có nhận được tư vấn về phòng chống ĐTĐ là 77,1%; nhận được giải thích rõ về bệnh là 64,5%; nhận được hướng dẫn kỹ lưỡng về sử dụng thuốc là 89,8%; được hẹn tái khám là 97,1%. Người bệnh hài lòng về dịch vụ khám chữa bệnh chiếm 82,5%.

4.2. Tuân thủ điều trị của bệnh nhân đái tháo đường

Trong số 245 người bệnh, tỷ lệ tuân thủ chế độ ăn đạt 75,8%; không tuân thủ là 24,2%. Kết quả cho thấy người bệnh thường xuyên tuân thủ quy định về thời gian giữa các bữa ăn (80,0%), ăn rau (79,2%) cũng như hạn chế sử dụng đường (68,9%). Chỉ số có tỷ lệ tuân thủ thấp là ăn 2-3 khẩu phần sữa hoặc sữa chua mỗi ngày, ở nhóm này tỷ lệ thường xuyên chỉ chiếm 9,1%, 53,8%% cho biết hiếm khi ăn và 37,1% thỉnh thoảng có bổ sung sữa hoặc sữa chua vào khẩu phần ăn.

Chỉ số về ăn 6-11 khẩu phần bột mỗi ngày cũng có kết quả thấp, 13,3% ăn mỗi ngày, 67,3% thỉnh thoảng mới bổ sung khẩu phẩn chất bột và 10,4%cho biết rất hiếm khi ăn.

4.3.Tuân thủ hoạt động thể lực của người bệnh ĐTĐ type 2.

Khi được hỏi về thực hành hoạt động thể lực thì có 63,7% người bệnh trả lời có hoạt động thể lực, trong số này có 70,6% là đi bộ; 18,3% cho biết tập thể dục bằng hình thức đi xe đạp; 5,3% chơi các môn thể thao và 3,3% chạy bộ; 2,5% luyện tập bằng các hình thức khác như tập dưỡng sinh,… Đa phần người bệnh tập thể dục từ 3 - 5 lần/ tuần (43,8%) và trên 30 phút/ ngày (52,2%).

Lý do không thực hành hoạt động thể lực đa số là người lao động thể lực chiếm 40,4%; có 36,0% người bệnh không có thời gian để luyện tập và 23,6% cho rằng hoạt động thể lực là không cần thiết.

4.4. Tuân thủ điều trị dùng thuốc của người bệnh ĐTĐ type 2.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có 32,2% người bệnh đã từng quên uống thuốc hạ đường huyết kể từ khi điều trị. Tỷ lệ người bệnh quên uống thuốc trong tuần qua là 15,1%. Rất ít người bệnh tự ý ngừng thuốc hạ đường huyết vì cảm thấy khó chịu do uống thuốc (2,8%), tỷ lệ người bệnh quên mang thuốc khi đi xa là 27,7%. Có 2,9% người bệnh quên uống thuốc hạ đường huyết ngày hôm qua, việc tự ý ngừng thuốc hạ đường huyết khi cảm thấy đường huyết được kiểm soát là rất thấp với 5,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh cảm thấy phiền toái khi ngày nào cũng phải uống thuốc hạ đường huyết tới 18,0% và cảm thấy khó khăn khi phải nhớ lấy tất cả các loại thuốc hạ đường huyết khá cao, chiếm tới 36,2%.

4.5. Tuân thủ việc không hút thuốc, uống rượu bia của người bệnh ĐTĐ type 2. 

Khảo sát về hút thuốc lá, có 54,7% cho biết chưa bao giờ hút thuốc lá, 25,0% đã từng hút, tuy nhiên vẫn còn 20,2% mặc dù mắc ĐTĐ tuýp 2 nhưng vẫn không bỏ thuốc.

Có 36,3% người bệnh cho biết có uống rượu bia hoặc chất chứa cồn, trong số này có 86,5% uống ở mức quy định.Vẫn còn 13,5% người bệnh sử dụng rượu/bia quá mức quy định trong khi mắc ĐTĐ tuýp 2.

4.6. Tuân thủ tái khám đúng hẹn của người bệnh ĐTĐ type 2(n = 245).

Nghiên cứu cho kết quả 85,3% người bệnh tái khám đúng theo lịch hẹn, 14,7% có tái khám nhưng không đúng hẹn.

Lý do khiến người bệnh không tái khám định kỳ phần lớn là do điều kiện kinh tế (36,1%), tiếp theo là do không có ai đưa đi (32,3%), khoảng cách xa phòng khám (19,4%) và 10,8% cho rằng tình trạng bệnh ổn định không cần tái khám.
 

7. Tuân thủ theo dõi Glucose máu của người bệnh ĐTĐ type2.

Tỷ lệ tuân thủ theo dõi Glucose máu chiếm tỷ lệ khá thấp, chỉ đạt 12,7%, và không tuân thủ là 34,2%.

Khi hỏi về lí do không tuân thủ theo dõi Glucose máu, lý do không có điều kiện kinh tế chiếm tỷ lệ cao nhất (47,0%), tiếp theo là không có thời gian (26,0%), 15,0% cho rằng đường huyết ổn định nên không cần thử. Ngoài ra có một số thông tin khác như sợ đau (1,3%).

8. Tỉ lệ tuân thủ các chế độ điều trị của người bệnh ĐTĐ type 2.
 

Tỷ lệ tuân thủ sử dụng thuốc chiếm tỉ lệ cao nhất với 87,6%, tiếp theo là tuân thủ tái khám đúng hẹn là 85,3%; tuân thủ thấp nhất là theo dõi Glucose máu (24,6%). Tỷ lệ tuân thủ hoạt động thể lực là 63,5%, tuân thủ không hút thuốc lá, uống rượu bia chiếm 77,9%.

Kết quả nghiên cứu 245 người bệnh ĐTĐ type 2 cho thấy tỷ lệ tuân thủ tuyệt đối 6 chế độ chiếm tỉ lệ khá thấp với 5,3%; tuân thủ 05 chế độ chiếm 10,8%; 04 chế độ chiếm 24,6%; tuân thủ 03 chế độ có tỷ lệ cao nhất (35,2%) và 23,4% tuân thủ từ 1-2 chế độ. Và có 0,7% (3 người) không tuân thủ bất kì chế độ điều trị nào.
 
Lê Trọng Đại

các bài viết liên quan


địa bàn triển khai ứng dụng laser quang châm

Tổng lượt truy cập: 1.362.370

Đang online: 49